Hành vi của ông Thanh,ậtchơicủaôngchủTânHiệpPhághế tựa lưng 70 tuổi, cùng hai con gái Trần Uyên Phương, 42 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát và Trần Ngọc Bích, 39 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) nêu trong kết luận điều tra, đề nghị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, năm 2019, đại gia Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Nai, cần tiền để tiếp tục đầu tư dự án Minh Thành ở Đồng Nai nhưng không vay được vốn ngân hàng. Thông qua người môi giới bất động sản, bà Oanh được giới thiệu đến ông Thanh theo lời quảng cáo "là người có nguồn tài chính, tiền rất nhiều".
Sau nhiều cuộc thỏa thuận, bà Oanh đồng ý trả cho người môi giới 5% tổng giá trị hợp đồng vay vốn để được vay 500 tỷ đồng. Hình thức vay tiền là chuyển nhượng cổ phần hoặc làm thủ tục mua bán các dự án bà Oanh đang sở hữu.
'Đây là cuộc chơi của Thanh, phải tuân theo luật của Thanh'
Cuối 10/2019, bà Oanh nhiều lần được dẫn đến Công ty Tân Hiệp Phát ở số 219 Đại lộ Bình Dương, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhưng không gặp được ông Thanh. Bà Oanh thắc mắc thì nhận được câu giải thích: "Ông chủ bận nhiều việc gấp, quan trọng nên phải kiên nhẫn chờ để được gặp trình bày".
Đầu tháng 11/2019, bà Oanh được đưa vào phòng làm việc của ông Thanh tại trụ sở Tân Hiệp Phát. Trong căn phòng hình vuông, bàn làm việc lớn hình bầu dục, ông Thanh ngồi ở đầu bàn đối diện cửa ra vào. Trước khi vào phòng, bà Oanh phải bỏ hết điện thoại ở ngoài do ông Thanh "không thích ai cầm điện thoại khi làm việc với mình".
Bà Oanh trình bày đang thiếu tiền để trả nốt 50% cổ phần còn lại của dự án Minh Thành, mong được cho vay 500 tỷ đồng. Ông Thanh đồng ý nhưng với điều kiện nữ đại gia phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của hai dự án Minh Thành và Nhơn Thành cho hai con gái ông.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, khi bà Oanh nài nỉ "như vậy bị thiệt thòi và rủi ro quá", ông Thanh giải thích: "Tôi không phải ngân hàng nên không ký hợp đồng cho vay. Hàng tháng cứ đóng lãi đều, đủ, đúng hạn thì tôi cho chuộc tài sản. Tôi vẫn làm việc với những người khác như thế, đây là cuộc chơi của Thanh, phải tuân theo luật của Thanh".
Vài ngày sau, bà Oanh dẫn hai con gái cùng 8 người liên quan đến trụ sở Tân Hiệp Phát thỏa thuận việc vay tiền. Phía Tân Hiệp Phát có ba bố con ông Thanh và 6 người. Hai bên trao đổi từng chi tiết, hạng mục, chủ trương của hai dự án Minh Thành, Nhơn Thành và các nguồn thu chi của công ty để tính khả năng trả nợ.
Sau khi xem xét các giấy tờ, ông Thanh đồng ý cho vay 500 tỷ đồng với điều kiện chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương giá 235 tỷ đồng, chủ cũ của dự án chuyển 50% còn lại cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỷ đồng.
Với dự án Nhơn Thành, bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu cho Trần Ngọc Bích giá 150 tỷ đồng.
Lãi suất vay tiền ông Thanh đưa ra là 3% một tháng, trả trước 3 tháng một. Bà Oanh trong 9 tháng trả đầy đủ tiền gốc và lãi sẽ được trả lại hai dự án. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi, bà Oanh sẽ mất hai dự án.
Kết luận điều tra nêu, bà Oanh nói thỏa thuận như vậy "rất rủi ro" khi bản chất chỉ vay 500 tỷ đồng mà phải làm hợp đồng chuyển nhượng cả hai dự án trị giá hơn 1.200 tỷ đồng. Ông Thanh bảo phải "tuân theo luật chơi", không đồng ý thì chấm dứt thỏa thuận. Quy trình này Tân Hiệp Phát đã nghiên cứu chặt chẽ về câu từ, đã áp dụng nhiều lần.
"Năm nay tôi đã cho vay như thế này cỡ 4.000 tỷ đồng với hơn chục dự án rồi", lời nói của ông Thanh được nêu trong kết luận điều tra.
Cuối cùng, bà Oanh đồng ý vay 500 tỷ đồng vì tin tưởng vào uy tín và lời nói của ông Thanh.
Nữ đại gia bị chiếm đoạt hai dự án như thế nào?
Thực hiện theo yêu cầu của ông Thanh, bà Oanh cùng người liên quan làm thủ tục chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Minh Thành và Công ty Nhơn Thành cho hai con gái ông Thanh và Công ty TCS.
Tại thời điểm làm hợp đồng chuyển nhượng, dự án Minh Thành có giá trị gần 600 tỷ đồng nhưng trên hợp đồng giữa bà Oanh và phía ông Thanh chỉ có giá trị 500 tỷ đồng. Và thực tế, bà Oanh nhận 350 tỷ đồng.
Dự án Nhơn Thành, thời điểm đó có giá trị gần 600 tỷ đồng nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Oanh và phía ông Thanh ghi giá 150 tỷ đồng.
Sau khi được giải ngân 350 tỷ và 150 tỷ đồng, bà Oanh phải thanh toán ngay lãi 3 tháng đầu cho hai khoản vay này lần lượt là 31,5 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Thanh. Việc chuyển tiền lãi đều dùng tiền mặt, không có biên nhận.
Ngày 11/2/2020, bên bà Oanh tiếp tục trả 31,5 tỷ đồng tiền lãi lần hai với khoản vay 350 tỷ đồng. Ngày 12/5/2020, đến hạn trả lãi lần 3 nhưng do sơ suất nên một ngày sau bà Oanh mới chỉ đạo cấp dưới cầm tiền mặt đến Tân Hiệp Phát nộp. Tuy nhiên, nhiều lần sau đó, bà Oanh bị phía ông Thanh từ chối gặp.
Sau nhiều lần liên lạc qua các kênh, tối 27/5/2020, bà Oanh được ông Thanh đồng ý gặp. Trước khi vào làm việc, bà Oanh và ba người đi cùng bị thu hết điện thoại như những lần trước.
Tại đây ông Thanh nói rằng bà Oanh đã vi phạm thời hạn nộp lãi nên không được phép mua lại dự án. Bà Oanh lại nài nỉ, xin được nộp phạt thêm 35 tỷ đồng.
Tháng 8/2020, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Phương, Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng (dự án Minh Thành 350 tỷ, Nhơn Thành 150 tỷ) và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án. Cùng thời gian này, bà Oanh nhắn tin cho ông Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được hồi đáp.
Kết luận điều tra nêu bà Oanh khai sau nhiều cuộc thỏa thuận bất thành, ngày 28/10/2020 bà cùng hai con gái và một số nhân viên đến trụ sở Tân Hiệp Phát gặp Trần Uyên Phương "van xin" cho chuộc dự án nhưng bị từ chối. Bà Oanh sau đó có đơn tố cáo 3 bố con ông Thanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo C01, tháng 11/2019, ông Thanh cho bà Oanh vay 350 tỷ đồng nhưng đến tháng 8/2020 đã chiếm đoạt dự án Minh Thành có giá trị là 533 tỷ đồng. Trừ đi 350 tỷ đồng đã chuyển cho bà Oanh, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 183 tỷ đồng.
Với dự án Nhơn Thành, ba bố con ông Thanh đã cho bà Oanh vay 150 tỷ đồng từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 8/2020 đã chiếm đoạt dự án 567 tỷ đồng. Trừ đi số tiền đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt ở dự án này 417 tỷ đồng.
'Lách luật' để cho vay lãi
Theo kết luận điều tra, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã lợi dụng quy định về cho vay, lấy lãi suất 3% một tháng (36% một năm) - tức vượt quá quy định của Bộ Luật dân sự (không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) nhưng không vi phạm pháp luật hình sự (cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần 100%/năm sẽ phạm vào tội Cho vay lãi nặng).
Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần thực tế.
Khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Dù bên vay trả đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận, ông Thanh đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản".
Ngoài vụ án lừa đảo của bà Oanh, ông Thanh cùng hai con gái còn bị cáo buộc gây ra 3 vụ chiếm đoạt tài sản khác với cùng một thủ đoạn.
C01 kết luận, từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019, ông Thanh và "cò" - người chuyên giúp ông Thanh cho vay lãi, đã cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Theo thỏa thuận, ông Chung phải làm thủ tục chuyển nhượng cho phía ông Thanh 29 thửa đất có giá trị 48 tỷ đồng tại 230 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM.
Tháng 3/2019, khi ông Chung đề nghị trả 35 tỷ đồng tiền gốc trước thời hạn 16 ngày thì ông Thanh yêu cầu phải nộp thêm 14 tỷ đồng mà không có lý do. Bởi không nộp được thêm tiền nên Chung bị nhóm ông Thanh chiếm đoạt 29 thửa đất có giá trị 83 tỷ đồng. Trừ đi 35 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 48 tỷ đồng của ông Chung.
Tương tự, ông Thanh cùng hai con gái bị cáo buộc đã chiếm đoạt 4 thửa đất tại xã Hiệp Phụng, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng có giá trị 195 tỷ đồng. Trừ đi 115 tỷ đồng tiền gốc đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 80 tỷ đồng.
Trong vụ thứ 4, ông chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM có giá trị 118 tỷ đồng của anh Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của anh Đông 38 tỷ đồng.
Theo kết luận, ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng, Trần Uyên Phương 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích 600 tỷ đồng.